Bản tin

10 đồ nên mang trong túi máy ảnh

Bất kể bạn chụp thể loại gì, ngoài máy ảnh và ống kính, túi của bạn nên có thêm 10 vật dụng tối thiểu sau đây. 1. Chân máy mini Lúc nào cũng mang theo chân máy không phải là một ý kiến hay bởi nó quá cồng kềnh và nặng nề, trừ khi bạn biết chính xác mục đích sẽ đi chụp của mình. Nhưng nếu không có cũng dở bởi đột nhiên có những trường hợp bạn lại cần phải chụp ở tốc độ chậm. Vì thế tốt nhất nên thủ sẵn một chân máy mini nhỏ gọn có thể đút vừa một góc túi, vừa không tốn chỗ, không nặng nề lại vẫn có thứ để dùng trong những lúc đột xuất. 2. Điều khiển chụp ảnh Mặc dù hầu hết các máy ảnh đều có sẵn chế độ chụp hẹn giờ, nhưng chế độ này thường khá hạn chế. Vì thế, tốt nhất bạn nên mang theo một điều khiển chụp để có thể chủ động hoàn toàn trong điều kiện cần ổn định hình ảnh. Các điều khiển trước đây thường là loại có dây, vì thế khá hạn chế về mặt khoảng cách. Tuy nhiên các máy ảnh đời mới hiện nay đã hỗ trợ điều khiển không dây, giúp người chụp có thể tự chụp mình hoặc nấp ở một chỗ khuất và bấm máy từ xa, nhất là đối với các nhiếp ảnh gia hoang dã. 3. Khăn lau Khăn lau cũng là một trong những vật dụng hữu ích mà người chụp cần luôn mang theo. Ngoài việc lau bụi, bạn còn có thể dùng để bọc ống kính hoặc các vật dụng nhỏ khác, tránh cho chúng khỏi cọ xát vào nhau khi ở chung một túi. 4. Bóng thổi bụi Do cũng có kích thước hết sức gọn nhẹ, việc mang theo một bóng thổi bụi cũng sẽ trở nên rất hữu dụng khi cần thổi bụi ở những vị trí mà khăn lau khó làm sạch được. 5. Điện thoại thông minh/máy tính bảng Rõ ràng điện thoại là thiết bị không thể thiếu, nhất là khi bạn đi một mình. Tuy nhiên một chiếc điện thoại thông minh hoặc thậm chí là một chiếc máy tính bảng sẽ còn hữu dụng hơn bởi chúng có thể có sẵn các ứng dụng hữu ích cho nhiếp ảnh như chỉnh sửa sơ bộ ảnh chụp, tính toán các thông số chụp ảnh tiêu chuẩn, tra cứu các mẹo chụp ảnh, kiểm tra thời tiết, tìm đường hay chia sẻ ảnh lên các trang mạng xã hội hoặc gửi ảnh về địa chỉ cần thiết. 6. Pin và thẻ nhớ dự phòng Dù máy của bạn có dung lượng pin lớn hay thẻ nhớ khủng, tốt nhất bạn vẫn nên mang theo tối thiểu một cục pin và một thẻ nhớ dự phòng, bởi bạn sẽ không thể tiên liệu trước điều gì sẽ xảy ra trên hành trình đi chụp. Có thể chỉ là hết thẻ nhớ, hoặc thẻ nhớ gốc đột nhiên bị hỏng, hoặc chụp hay quay phim nhiều quá đến mức hết cả pin. Lúc đó, những đồ dự phòng sẽ trở nên hữu dụng hơn bao giờ hết. Thêm vào đó, chúng cũng quá nhỏ so với ba lô hoặc túi máy ảnh. 7. Túi che mưa máy ảnh Nếu bạn đi chụp dã ngoại ở những vùng hay mưa bất chợt hoặc bạn chủ định chụp khi trời mưa thì việc mang sẵn một túi che mưa cho máy ảnh là điều không thể bỏ quên. Cao cấp thì bạn có thể dùng các túi chống nước của các hãng danh tiếng, còn không bạn chỉ cần mang một chiếc túi ni-lông đủ để che kín toàn bộ máy ảnh là được và có thể tự chế áo mưa cho máy ảnh chỉ đơn giản với ni-lông và chun. 8. Card visit Tùy từng trường hợp, nhưng đối với những nhiếp ảnh gia đang làm việc cho một tổ chức nào đó, thì việc mang thêm card visit sẽ trở nên rất hữu ích khi chụp ở những nơi cần xin phép hoặc cần giới thiệu mình và giữ liên lạc sau này. Còn nếu là nhiếp ảnh gia tự do, bạn không cần vật dụng nhỏ nhoi này nếu bạn không có. 9. Đèn flash rời Mặc dù chụp ngoài trời có thể bạn ít khi dùng đèn hoặc máy ảnh của bạn đã có sẵn đèn cóc, nhưng nếu có điều kiện, bạn nên mang theo một chiếc flash gắn ngoài dù nhỏ cũng được. Ngoài việc chụp khi tối trời thì flash gắn ngoài đôi khi sẽ trở nên rất hữu dụng trong trường hợp cần cân bằng ánh sáng kể cả giữa ban ngày. Đối với những máy ảnh hiện đại với tính năng có thể kích hoạt flash rời thì một chiếc đèn mang thêm có thể cải thiện đáng kể những bức ảnh chân dung khi mà ánh sáng thẳng không đủ làm nổi bật đối tượng. 10. Kính lọc phân cực tròn (circular polarizer) Một số người nghĩ rằng chụp ảnh kỹ thuật số thì không còn cần đến kính lọc nữa, nhưng thực sự không hẳn vậy. Đối với các kính lọc tạo màu ấm hay màu lạnh thì có thể đúng, nhưng các kính lọc phân cực vẫn luôn có chỗ đứng của riêng mình, nhất là khi chụp ảnh phong cảnh. Kính lọc phân cực giúp bầu trời trong xanh hơn, tương phản các đám mây rõ rệt hơn và hạn chế được các ánh sáng phản chiếu từ các bề mặt phản xạ như mặt hồ hay kính. Các kính lọc phân cực chất lượng tốt giá cũng không hề rẻ, nhưng bạn nên đầu tư một chiếc tử tế một chút để có thể dùng lâu dài. Hãy cứ để nó cố định trong túi máy ảnh, để đến khi cần bạn có cái dùng ngay. Theo vnexpress

Bảy phụ kiện cần có khi dùng DSLR

Pin, Filter, UV bộ dụng cụ vệ sinh và ống kính tiêu cự trung bình 50mm luôn là những thứ nên có trong túi người dùng DSLR. Các phụ kiện kèm theo là rất cần thiết đối với người chụp ảnh, đặc biệt là với máy ống kính rời DSLR. Vì vậy, những thứ được liệt kê dưới đây, theo Cnet, luôn cần được người dùng quan tâm và chi một khoản tiền ngay khi mua máy mới. Pin thay thế Pin bổ sung luôn cần có sẵn trong túi máy. Chắc chắn một chuyến du lịch sẽ không thể trọn vẹn nếu bạn luôn phải để ý pin máy ảnh đang ở trạng thái “nhấp nháy đỏ”. Hay nghiêm trọng hơn, những sự kiện chỉ diễn ra một lần và không có cơ hội thứ hai cho người chụp để bấm máy lại. Vì vậy, pin bổ sung luôn là một phụ kiện cần thiết trong túi máy ảnh. Đối với bất kì máy ảnh nói chung và DSLR nói riêng trên thị trường hiện nay, người dùng đều có thể mua thêm pin thay thế với đa dạng chủng loại và mức giá khác nhau. Báng cầm cũng là một phụ kiện cần thiết cho người chụp ảnh tần suất cao, tuy nhiên cần cân nhắc vì chiếc máy sẽ nặng nề và to hơn đáng kể. Filter UV Filter giúp bảo vệ ống kính. Filter UV có tác dụng chủ yếu là lọc tia cực tím và giảm những tác động xấu đến ảnh. Tuy nhiên, một tác dụng khác được nhiều nhiếp ảnh gia tin dùng là bởi khả năng bảo vệ ống kính của kính lọc. Một chiếc kính lọc UV có thể giúp ống kính tránh đáng kể những ảnh hưởng từ va chạm, bụi bẩn và thậm chí cả nấm mốc. Loại phụ kiện này, cũng như pin thay thế, có thể tìm được rộng rãi trên thị trường với mức giá chênh lệch vài chục lần, tùy vào kích thước và chất lượng. Bộ dụng cụ vệ sinh Ống kính cần có giẻ lau chuyên dụng. Cho dù bạn có dùng filter UV hay không, bộ dụng cụ vệ sinh vẫn luôn cần thiết để giữ cho ống kính và máy ảnh luôn ở trong tình trạng tốt nhất để có được bức ảnh ưng ý. Một bộ dụng cụ thường có ba bộ phận chính: giẻ lau nhỏ bằng chất liệu mềm, không có lông tơ để lau dấu vân tay và vết bẩn; bóng thổi để nhẹ nhàng làm sạch bụi đọng trên ống kính; bút lau cho những các khe, kẽ hở khó lau chùi và đòi hỏi sự chính xác. Túi đựng Túi đựng là rất cần thiết cho cả phụ kiện lẫn máy và ống kính. Đây dường như là một phụ kiện bắt buộc đối với người dùng DSLR, ngay cả đối với những người phần lớn thời gian treo máy trên cổ hay cầm tay. Túi đựng không chỉ có chức năng bảo vệ máy ảnh và ống kính mà còn là nơi đựng những phụ kiện khác như pin, thẻ nhớ, đầu đọc thẻ, filter, ống kính thay thế và bộ dụng cụ vệ sinh. Người dùng cần xem xét những thứ cần mang theo, loại máy ảnh hay ống kính thường dùng để xác định kích cỡ cũng như loại túi đựng cho phù hợp với nhu cầu. Hầu hết các túi cho DSLR hiện nay đều có đủ chỗ cho một bộ máy ảnh và một lens thay thế. Bộ nhớ sao lưu ảnh Bộ lưu trữ di dộng nhỏ gọn. Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, ảnh đang có dung lượng lớn dần lên, hay thậm chí cả video chuẩn HD. Vì vậy, bạn luôn cần có một bộ nhớ sao lưu ảnh bổ sung, tiện cho việc lưu giữ hình ảnh khi máy tính có vấn đề. Thậm chí, mang theo một ổ cứng di động khi trong túi đựng cũng không phải là một ý tưởng tồi. Ống kính 50mm (ở máy full frame) 50mm là khoảng tiêu cự phù hợp cho nhiều thể loại nhiếp ảnh. Đây không hẳn là một phụ kiện, nhưng là một ống kính có thể giải quyết được hiệu quả nhiều tình huống khác nhau, từ chân dung, chụp tối, close-up đến chụp tối hay ngay cả phong cảnh (trên máy full frame) Ống tiêu cự không đổi 50mm f1.8 là “đại thụ” trong làng máy ảnh bới kích thước nhỏ, nhẹ, nhưng có độ mở khẩu lớn và giá thành rất rẻ so với các ống kính khác. Chân máy Chân máy còn cần thiết với ống kính lớn. Không chỉ giúp ích hiệu quả trong các tình huống chụp chậm do ánh sáng quá thấp, tripod còn là chìa khóa để chụp các bức ảnh phong cảnh “kỳ ảo” nhờ phối hợp cùng filter ND. Các loại chân máy cũng rất đa dạng với kích thước và khả năng chịu tải. Người dùng nên tính toán cân nặng của bộ máy và ống kính của mình trước khi chọn mua chân máy cho thật chắc chắn, vì chỉ một rung động nhỏ có thể làm hỏng cả bức ảnh phơi sáng kì công Theo Techz

Đèn Flash Chớp Liên Tục

Cảm biến hình ảnh thực hiện chụp ảnh bằng cách phản ứng với ánh sáng, và do đó máy ảnh không thể chụp bất kỳ thứ gì ở một địa điểm quá tối ngay cả khi cửa trập để mở. Tuy nhiên, bằng cách sử dụng đèn flash, có thể chụp ảnh ngay khi chớp đèn flash. Nói cách khác, đèn flash đóng vai trò cửa trập trong bóng tối. Trong bài này, tôi sẽ giới thiệu các kỹ thuật chụp ảnh sử dụng hiệu quả các đặc điểm đó của đèn flash. (Người trình bày: Koji Ueda) Chụp Chuyển Động Trong Ảnh Bằng Cách Chớp Đèn Flash Liên Tục Đèn flash chớp liên tục là một tính năng để phơi sáng đối tượng nhiều lần trong một ảnh duy nhất bằng cách chớp đèn flash liên tục. Trong số các đèn flash ngoài của Canon, những đèn có trang bị tính năng này gồm có Speedlite 600EX-RT và Speedlite 580EX II. Trong chụp ảnh bằng đèn flash chớp liên tục, bạn có thể cài đặt số lần chớp mỗi giây, hoặc tổng số lần chớp. Tuy nhiên, lưu ý rằng số lần chớp cũng phụ thuộc vào công suất đèn flash. Trước tiên, địa điểm chụp phải là một nơi bạn ít ra bạn có thể mơ hồ xác định đối tượng. Vì không thể điều chỉnh nét theo chuyển độ của đối tượng, bạn phải cố định trước điểm lấy nét. EOS 60D/ EF-S18-135mm f/3.5-5.6 IS/ Manual exposure (f/8, 4 giây)/ ISO 100/ WB: Auto/ Speedlite 580EX II (Manual, 1/16)/ (Stroboscopic flash) tần suất chớp: 1Hz; số lần chớp: 3 Thủ thuật Biểu đạt chuyển động của đối tượng bằng cách kiểm soát số lần chớp và thời gian tuần hoàn Cố định trước điểm lấy nét Điều Kiện Chụp Ảnh được chụp ở trong nhà vào ban đêm, tắt đèn. Có thể mơ hồ xác định bóng của đối tượng. Tôi cố định máy ảnh lên chân máy, và nhắm đèn Speedlite vào đối tượng. Tôi che nền sau một tấm vải màu đen để không chụp phải các vật thể không mong muốn. Tôi đặt số lần chớp là [3], sau đó cài đặt tần suất chớp là [1Hz]. Vị trí của đối tượng, máy ảnh và đèn Speedlite A: Khoảng 2m B: Di chuyển sau mỗi lần chớp Các Bước Sử Dụng Đèn Flash Chớp Liên Tục 1. Chọn một chế độ chụp Nên sử dụng chế độ Phơi Sáng Thủ Công, vì sẽ dễ cố định tốc độ cửa trập hơn theo số lần chớp, và cũng có thể dễ điều chỉnh độ sâu trường ảnh. 2. Lấy nét Vì ảnh được chụp ở điều kiện thiếu sáng gần như tối đen, cố định nét trước bằng MF. 3. Xác định số lần chớp Xác định số lần chớp theo số lần bạn muốn chụp đối tượng trong một ảnh duy nhất. 4. Cài đặt tần suất chớp và tốc độ cửa trập Tần suất chớp (Hz) quyết định số lần chóp đèn flash mỗi giây. Sau đó, cài đặt tốc độ cửa trập dựa trên thời lượng lên đến cuối giai đoạn chớp liên tục. Tiếp theo, nhả cửa trập theo chuyển động của đối tượng. Thủ Thuật Sử Dụng Đèn Flash Chớp Liên Tục 1. Không đặt bất kỳ vật thể nào ở nền sau   Trong khi chụp ảnh có đèn flash chớp liên tục, điều quan trọng là bạn không được đặt bất kỳ vật thể nào đằng sau đối tượng. Khi chụp ảnh đa phơi sáng, các vật thể ở nền sau có thể chồng lên đối tượng, dẫn đến ảnh lộn xộn. Do đó nền sau phải đơn giản, chẳng hạn như bằng cách sử dụng một bức tường. Ngoài ra, lưu ý rằng một bức tường màu trắng có thể làm cho đối tượng có vẻ trong mờ. Trong trường hợp này, bạn có thể gắn một tấm vải hoặc tấm giấy màu đen lên tường. 2. Cài đặt tốc độ cửa trập theo số ảnh cần chụp trong một ảnh   Bạn cần phải xác định tần suất chớp (Hz), số lần chớp, và tốc độ cửa trập dựa trên số lần đối tượng sẽ được chụp trong một ảnh duy nhất. Ví dụ, nếu bạn muốn chụp đối tượng tổng cộng ba lần trong một ảnh duy nhất, với mỗi ảnh được chụp ở một khoảng thời gian là một giây, hãy cài đặt tần suất chớp là 1Hz và số lần chớp là 3 lần. Trong trường hợp này, cài đặt tốc độ cửa trập thành 3 giây. Chỉ cần lưu ý cài đặt tốc độ cửa trập theo tần suất chớp và số lần chớp. 3. Di chuyển đối tượng theo hướng nằm ngang so với máy ảnh   Vì chụp ảnh với đèn flash chớp liên tục diễn ra ở một địa điểm gần như tối đen, không thể điều chỉnh nét theo chuyển động của đối tượng. Cần phải cố định nét trước. Lưu ý rằng bằng cách cho đối tượng di chuyển chiều ngang so với máy ảnh thay vì di chuyển tới lui, bạn sẽ không phải lo bị mất nét. Trong trường hợp đối tượng di chuyển nhẹ ra trước hoặc ra sau, khép khẩu càng nhiều càng tốt để vẫn có thể lấy nét. Koji Ueda Sinh năm 1982 tại Hiroshima, Ueda bắt đầu sự nghiệp với vị trí trợ lý cho nhiếp ảnh gia Shinichi Hanawa. Sau đó anh trở thành nhiếp ảnh gia tự do, và hiện nay tham gia nhiều công việc khác nhau từ tạp chí đến quảng cáo trong khi chụp ảnh tại các thành phố và phong cảnh khác nhau trên khắp thế giới. Anh cũng là một nhà văn và giảng viên tại các lớp học và hội thảo về nhiếp ảnh.  

Kỹ thuật Light Painting trong nhiếp ảnh

Trong nhiếp ảnh, kỹ thuật Light Painting tuy không mới nhưng luôn là thách thức với những người đam mê sáng tạo trong chụp ảnh. Bài viết cung cấp những thông tin cơ bản nhất về Light Painting. Light Painting Photography là gì? Light Painting (vẽ tranh bằng ánh sáng) là kỹ thuật nhiếp ảnh chụp với thời gian phơi sáng dài của máy ảnh đối với những nguồn sáng (đèn pin, đèn LED, vật phát sáng…) được vẽ ở không gian tối. Do đó các hình vẽ phải được thực hiện trong khoảng thời gian phơi sáng của máy để được thu vào khung hình đó. Kỹ thuật chụp ảnh này dựa vào tự tương phản giữa ánh sáng và môi trường tối nên có thể sáng tạo rất phong phú tùy vào người chụp và tạo nên những bức ảnh ấn tượng, huyền ảo, gây tập trung khi nhìn vào. Có hai dạng: - Một  là chụp với nguồn sáng là vật di chuyển (bút vẽ ánh sáng) trong khi máy ảnh cố định – đây là dạng thông thường khi nói đến kỹ thuật Light Painting. - Hai là máy ảnh sẽ được di chuyển trong khi nguồn sáng cố định. Dạng này phù hợp khi chụp những nguồn sáng cố định như đèn đường hoặc áng sáng từ mặt trăng, các ngôi sao. Thiết bị cần có: - Một máy ảnh DSLR để có thể điều chỉnh tốc độ cửa trập hoặc chụp chế độ Bulb. - Chân máy: để giúp máy ở trạng thái cố định tránh bị rung nhòe khi phơi sáng thời gian dài lên đến 30 giây hoặc hơn. - Thiết bị phát sáng: để vẽ, tạo hình bằng ánh sáng. Có thể là đèn pin, đèn LED hoặc thanh dạ quang phát sáng. Thiết lập máy ảnh: - Định dạng ảnh: RAW (tốt nhất để hậu chỉnh với các công cụ hỗ trợ) - Focus: cố gắng khóa nét hoặc điều chỉnh bằng tay. Có thể dùng đèn chiếu vào điểm vẽ rồi lấy nét và khóa nét lại. - Chế độ chụp bằng tay để tùy chỉnh các thiết lập về tốc độ, khẩu độ hoặc chế độ Bulb: màn trập đóng mở phụ thuộc vào việc bấm nút chụp của bạn. - ISO: thấp nhất có thể để hạn chế nhiễu - Khẩu độ từ 5.6 trở lên để đảm bảo độ sâu trường ảnh - Tốc độ màn trập từ 60 giây trở xuống để đảm bảo có thời gian phơi sáng dài. Làm thế nào để chụp Light Painting đẹp? - Chụp trước một bức để kiểm tra khung hình, xem xét tổng thể background - Thiết lập máy ảnh với các thông số ISO và tốc độ màn trập thấp, khép khẩu để đạt độ sâu trường ảnh và ít nhiễu. - Tư duy và ý tưởng sáng tạo giúp bạn tạo nên những tác phẩm đẹp mắt - Người chụp cần xác định bố cục trong hình để đảm bảo các nét vẽ nằm trong khung. Lấy nét vào giữa khung hình nơi sẽ hiển thị hình ảnh cần chụp, có thể sử dụng đèn pin chiếu sáng vào một điểm ở khu vực đó để lấy nét bằng chế độ lấy nét bằng tay (MF – Manual Focus). - Người chụp ra hiệu thì người vẽ bắt đầu vẽ sao cho các thao tác phải diễn ra và kết thúc trong thời gian màn trập mở ra và đóng lại. - Nên chụp vào buổi tối hoặc nơi có không gian tối, hậu cảnh đơn giản, đồng màu. Nếu chụp ở bên ngoài thì cần tránh những nơi như phố xá có nhiều ánh sáng di chuyển sẽ tạo thành các vệt mờ lung tung trên bức ảnh. - Người điều khiển ánh sáng (vẽ hình) nên mặc trang phục màu tối để không bị hiện rõ trong hình sau khi chụp, giúp cho việc xử lý hậu kỳ (khi cần) đơn giản hơn. - Người vẽ hình cần đứng trong khung hình, phía sau ánh sáng cầm trên tay và thực hiện vẽ để tính được thời gian phù hợp của bức ảnh đó. - Người vẽ cố gắng di chuyển nhịp nhàng, đủ nhanh để ánh sáng tạo nên đều nhau và ít bị bắt hình của chính mình vào trong bức ảnh. Những bức ảnh minh họa Nikon D3000; Khẩu độ: f/11.0; Tiêu cự: 18 mm; Phơi sáng: 30 giây; ISO: 100 Pentax K20D; Khẩu độ: f/11.0; Tiêu cự: 17 mm; Phơi sáng: 32 giây; ISO: 200 Canon 5D Mark III; Lens 24-70L; Khẩu độ: f/5.0; Tiêu cự: 24mm; Phơi sáng: 14 giây; ISO: 1250 Nikon D7000; Lens 12-24 mm; Khẩu độ: f/5.6; Tiêu cự: 12 mm, Phơi sáng: 205 giây; ISO 200 Nikon D600; Lens 16-35 mm; Khẩu độ: f/5.6; Tiêu cự: 18 mm, Phơi sáng: 307 giây; ISO 100 Nikon D600; Lens 16-35 mm; Khẩu độ: f/8.0; Tiêu cự: 20 mm, Phơi sáng: 222 giây; ISO 100 Nikon D90; Lens 17-50 mm; Khẩu độ: f/20.0; Tiêu cự: 26 mm, Phơi sáng: 251 giây; ISO 200 Nikon D7000; Lens 12-24 mm; Khẩu độ: f/5.6; Tiêu cự: 12 mm, Phơi sáng: 105 giây; ISO 100 Nikon D600; Lens 16-35 mm; Khẩu độ: f/8.0; Tiêu cự: 16 mm, Phơi sáng: 284 giây; ISO 100 Canon 7D; Khẩu độ: f/22.0; Tiêu cự: 40 mm; Phơi sáng: 20 giây; ISO 100 Tùng Anh

Bắt Đầu Chụp Ảnh Có Đèn Flash trong 9 Bước!

Sau khi mua một chiếc đèn flash gắn ngoài, hãy lắp nó vào máy ảnh và thử chụp một vài tấm. Trong bài viết sau đây, chúng tôi sẽ giải thích thủ tục thao tác của hệ thống đèn flash Tự Động E-TTL dùng máy ảnh EOS 600D và đèn Speedlite 430EX II. Chụp ảnh có đèn flash gắn ngoài dễ dàng hơn bạn tưởng nhiều một khi bạn đã nắm bắt được lý thuyết cơ bản và vai trò của từng chức năng. Vì thao tác khác nhau tùy mẫu máy được sử dụng, vui lòng tham khảo tài liệu hướng dẫn để biết mô tả chi tiết.   Bước 1: Bật Nguồn Sau Khi Lắp Đèn Flash Vào Máy Ảnh Lắp đèn flash ngoài vào khe gắn đèn trên đỉnh máy ảnh. Một khi đã lắp hẳn, trượt cần khóa chân lắp để khóa cố định. Bật nguồn máy ảnh, sau đó bật nguồn đèn flash. Phải tắt nguồn đèn flash trước khi gắn vào hoặc tháo ra khỏi khe gắn đèn. Trượt chân lắp của đèn flash vào hẳn khe gắn đèn.     Sau đó, trượt, cần khóa chân lắp cho đến khi nghe tiếng cách, cho thấy nó đã được khóa. Bật nguồn máy ảnh, sau đó bật nguồn đèn flash. Để tháo đèn flash ra khỏi khe gắn đèn, trượt cần khóa theo hướng ngược lại trong khi nhấn nút nhả khóa.     Thủ thuật: Không được kết hợp các loại pin khác nhau   Khi thay pin, đảm bảo rằng tất cả pin đều mới và có cùng hiệu. Không được sử dụng kết hợp pin cũ và mới, có hiệu khác nhau, hoặc pin kiềm và pin lithium. Điều đó không chỉ làm giảm tuổi thọ của pin, mà còn có thể dẫn đến những vấn đề chẳng hạn như rò rỉ pin.   Bước 2: Cài Đặt Lại Các Thiết Lập Đèn Flash Đối với các máy ảnh có trình đơn Flash control, có thể dễ dàng cài đặt lại các chức năng đèn flash và Các Chức Năng Tùy Chỉnh của đèn Speedlite ngoài. Để tránh những lỗi chẳng hạn như các thiết lập được để lại từ lần sử dụng trước, sẽ an toàn hơn khi cài đặt lại ngay từ đầu. Cách cài đặt lại các thiết lập đèn flash 1  2      3      Lắp đèn flash vào máy ảnh, sau đó cài đặt chế độ chụp thành một trong các chế độ Creative Zone chẳng hạn như Program AE (P) dùng Bánh Xe Điều Chỉnh Chế Độ. Nhấn nút MENU trên máy ảnh và chọn [Flash control] từ [Shooting menu] (ở một số mẫu máy, [Set-up menu]). Chọn [External flash function setting] (1), và nhấn nút INFO (ở một số mẫu máy, nút DISP) để khởi động [Clear Speedlite settings] (2). Sau đó chọn [OK] (3). Đối với EOS 70D và EOS 700D, chọn [Clear settings] trong màn hình (1), sau đó chọn [Clear external flash set.] trong màn hình được hiển thị kế tiếp.   Cài Đặt Lại Các Thiết Lập Chức Năng Tùy Chỉnh Đèn Flash 1  2    Chọn [Clear external flash Custom Functions settings] từ màn hình [Flash control] (1). Chọn [OK] và nhấn nút SET trong màn hình [Clear external flash Custom Functions settings] (2) sẽ cài đặt lại các thiết lập đèn flash ngoài. Đối với EOS 70D và EOS 700D, chọn [Clear settings] trong màn hình (1), sau đó chọn [Clear external flash Custom Functions settings] trong màn hình được hiển thị kế tiếp.   Bước 3: Chọn một Chế Độ Đèn Flash Hoặc chọn chế độ E-TTL hoặc Manual flash cho đèn flash. Có thể điều chỉnh các thiết lập đèn flash trên máy ảnh hoặc đèn flash. Chọn E-TTL flash khi bạn muốn chụp ảnh nhanh với toàn bộ ảnh ở mức phơi sáng tiêu chuẩn, và đèn flash thủ công để chụp ảnh có đèn flash đẳng cấp chuyên nghiệp chẳng hạn như bằng cách sử dụng nhiều đèn flash để tạo ra hiệu ứng bóng. Để cài đặt đèn flash bằng máy ảnh, chọn Flash mode từ External flash function settings. Để tự động điều chỉnh công suất đèn flash, chọn E-TTL.   Nhấn nút MODE, và chọn ETTL hoặc M.   Thủ thuật: Điều chỉnh công suất đèn flash khi dùng đèn flash thủ công     Màn Hình Thiết Lập của Trình Đơn Máy Ảnh   Màn Hình Thiết Lập trên đèn flash Hạng mục Flash output sẽ xuất hiện trong trình đơn máy ảnh (không xuất hiện ở chế độ E-TTL flash) khi cài đặt chế độ Manual flash. Số chỉ dẫn công suất đèn flash thủ công được cho biết dưới dạng 1/1 đối với công suất hoàn chỉnh của đèn flash đã gắn, 1/2 đối với một nửa công suất đèn flash, và 1/4 đối với một phần tư công suất hoàn chỉnh cảu đèn flash. Vui lòng lưu ý rằng phương pháp này khác với bù phơi sáng bằng đèn flash của tùy chọn E-TTL. Đối với đèn Speedlite 430EX II, theo thông tin được hiển thị trong ảnh, theo đó bạn nhấn và giữ nút SEL/SET một lúc, chọn công suất đèn flash dùng các nút +/-, và nhấn nút SEL/SET một lần nữa để xác nhận lựa chọn. Thủ thuật: Có thể cài đặt nhiều đèn flash với Speedlite 600EX-RT hoặc Speedlite 580 EX II Speedlite 600EX-RT và Speedlite 580 EX II được trang bị thêm một chế độ Multi flash. Các bước cài đặt nhiều đèn flash là giống với các bước cài đặt chế độ E-TTL và Manual flash, và có thể thực hiện các bước này trên máy ảnh hoặc đèn flash.   Bước 4: Chọn một Chế Độ Chụp Chọn chế độ chụp phù hợp với ý định và nội dung của ảnh bạn muốn chụp. Chụp ảnh có đèn flash có thể được sử dụng ở bất kỳ chế độ chụp nào. Xoay Bánh Xe Điều Chỉnh Chế Độ và chọn chế độ chụp mong muốn. Chọn Shutter-priority AE khi bạn muốn chụp các đối tượng chuyển động và không bị nhòe, hoặc sử dụng hiệu ứng nhòe để thể hiện sự chuyển động. Chọn Aperture-priority AE nếu bạn muốn điều chỉnh chiều sâu trường ảnh để sử dụng hiệu ứng bokeh, hoặc để tạo một ảnh có nét dày. Lựa chọn dựa trên ý định của bạn.   Thủ thuật: Bạn có thể chọn bất kỳ chế độ chụp nào với E-TTL flash     Đỏ: Creative Zone Xanh dương: Basic Zone Nếu chế độ đèn flash được chọn là E-TTL, có thể thực hiện chụp ảnh có đèn flash ở bất kỳ chế độ chụp nào trong Basic Zone và Creative Zone của máy ảnh. Tuy nhiên, không thể thực hiện bù phơi sáng bằng đèn flash ở chế độ Full Auto và các chế độ cảnh. Do đó, Program AE, Aperture-priority AE và Shutter-priority AE dễ sử dụng hơn nếu bạn muốn chuyển tải ý định của mình trong ảnh. Mặt khác, nên sử dụng chế độ chụp bù phơi sáng thủ công khi chọn chế độ đèn flash thủ công. Xác định các thiết lập chẳng hạn như khẩu độ, tốc độ cửa trập và độ nhạy sáng ISO tùy vào ý định chụp, và bạn có thể điều chỉnh công suất đèn flash bằng tay dựa trên các điều kiện này. Bước 5: Chọn một Chế Độ Đồng Bộ Cửa Trập Chọn một chế độ đồng bộ cửa trập sau khi chọn chế độ chụp. Sử dụng High-speed sync khi tốc độ cửa trập mong muốn cao hơn tốc độ tối đa mà đèn flash có thể đồng bộ. Cân nhắc sử dụng đồng bộ màn chắn đầu tiên hoặc đồng bộ màn chắn thứ hai đối với các ảnh phơi sáng lâu. Để thực hiện cài đặt dùng trình đơn máy ảnh, chọn chế độ mong muốn từ [Shutter synchronization] trong [External flash function settings]. Để cài đặt bằng đèn flash, nhấn nút High-speed sync (FP flash)/Shutter-curtain synchronization. Nhấn nút này mỗi lần sẽ cho phép chuyển đổi giữa đồng bộ tốc độ cao và đồng bộ cửa trập-màn chắn. Màn hình thiết lập của máy ảnh   Để thực hiện cài đặt bằng máy ảnh, hãy chọn [Shutter sync.] từ [External flash func. setting] và chọn hạng mục.   Màn hình thiết lập của đèn flash     Đặt thành High-speed Sync   Đặt thành 2nd Curtain Sync   Bước 6: Điều chỉnh độ nhạy sáng ISO Điều chỉnh độ nhạy sáng ISO trực tiếp ảnh hưởng đến phơi sáng và hoàn thiện của ảnh. Có thể điều chỉnh độ nhạy sáng ISO khi ảnh tối hơn mong muốn, hoặc khi tốc độ cửa trập đã chọn chậm hơn mong muốn. Để điều chỉnh thiết lập ISO, nhấn nút ISO trên máy ảnh, và chọn một độ nhạy sáng ISO chẳng hạn bằng cách dùng Bánh Xe Chính. Thủ thuật: Hình ảnh của ảnh sẽ thay đổi rất nhiều với độ nhạy sáng ISO khác nhau khi chụp có đèn flas   Chụp dùng ISO 100   Chụp dùng ISO 1600   Trong chụp ảnh có đèn flash, có thể điều chỉnh độ sáng chung của ảnh bằng cách thay đổi độ nhạy sáng ISO. Với độ nhạy sáng ISO cao, độ nhạy của cảm biến hình ảnh với ánh sáng sẽ tăng và ánh sáng khuếch tán yếu từ đèn flash có thể không phát hiện được ở độ nhạy sáng ISO thấp có thể được chụp và phản xạ trong ảnh, do đó dẫn đến ảnh chung sáng hơn. Tuy nhiên, vì khó đo những thay đổi ở mức phơi sáng khi độ nhạy sáng ISO thay đổi, bạn nên chụp thử cùng với các thay đổi độ nhạy sáng ISO. Một độ nhạy sáng ISO cao hơn cũng hiệu quả để chống rung máy hoặc chuyển động của đối tượng ở cả chụp ảnh bình thường lẫn chụp ảnh có đèn flash.   Bước 7: Xác Định Độ Sáng Nền Sau Dùng Bù Phơi Sáng Thông thường, trong chụp ảnh có đèn flash, ánh sáng từ đèn flash không vươn đến nền sau. Trong tình huống như thế, có thể áp dụng Bù Phơi Sáng để điều chỉnh độ sáng của nền sau. Bù phơi sáng có thể dựa trên những điều chỉnh độ sáng ngoài phạm vi có thể chiếu sáng bởi ánh sáng từ đèn flash. Ở các mẫu máy có thông số trung bình và cao, có thể cài đặt mức bù bằng cách xoay Bánh Xe Điều Chỉnh Nhanh trong khi nhấn hờ nút cửa trập. Đối với các mẫu máy không có Bánh Xe Điều Chỉnh Nhanh, có thể điều chỉnh bù phơi sáng bằng cách vận hành Bánh Xe Chính trong khi nhấn và giữa nút Bù Phơi Sáng. Nút bù phơi sáng và Bánh Xe Chính Đặt mức bù bằng cách xoay Bánh Xe Chính trong khi nhấn và giữ nút Bù Phơi Sáng. Xoay bánh xe sang phải sẽ tăng độ sáng, trong khi xoay sang trái sẽ làm cho ảnh tối hơn.   Bánh Xe Điều Chỉnh Nhanh của các mẫu máy có thông số trung bình và cao Có thể cài đặt mức bù bằng cách xoay Bánh Xe Điều Chỉnh Nhanh trong khi nhấn hờ nút cửa trập. Xoay bánh xe sang phải sẽ tăng bù độ sáng, và xoay sang trái sẽ giảm độ sáng.   Bước 8: Xác Định Độ Sáng của Đối Tượng Dùng Công Suất Đèn Flash Để điều chỉnh độ sáng của một đối tượng trong phạm vi của đèn flash, hãy điều chỉnh công suất đèn flash. Dùng bù phơi sáng nếu bạn dùng chế độ E-TTL flash. Chỉ có công suất đèn flash thay đổi trong thao tác bù phơi sáng bằng đèn flash. Do đó, chỉ có thể làm dịu độ sáng của đối tượng trong phạm vi của đèn flash mà không ảnh hưởng đến độ sáng của nền sau. Đối với các mẫu máy có thông số trung bình và cao, các điều chỉnh được thực hiện bằng cách nhấn nút Bù Phơi Sáng và xoay Bánh Xe Chính. Đối với các máy ảnh chẳng hạn như EOS 600D, không được trang bị nút bù phơi sáng bằng đèn Flash, nhấn nút Quick Control (Điều Khiển Nhanh) để hiển thị menu Quick Control, và thực hiện các điều chỉnh cần thiết ở đó. Nếu chọn chế độ Manual flash, có thể trực tiếp điều chỉnh công suất đèn flash. Bù phơi sáng bằng đèn flash của máy ảnh   Thủ thuật: Bù phơi sáng thông qua máy ảnh   Có thể trực tiếp cài đặt bù phơi sáng bằng đèn flash trên đèn flash đối với các mẫu chẳng hạn như Speedlite 430EX II, Speedlite 580EX II, và Speedlite 600EX-RT. Tuy nhiên, khi làm như thế, các thiết lập đã cho biết trên đèn flash sẽ được ưu tiên, và mất khả năng điều chỉnh trên máy ảnh. Do đó, khi chụp ảnh có đèn flash, bạn nên điều chỉnh bù phơi sáng bằng đèn flash trên máy ảnh.   Bước 9: Điều Chỉnh Góc của Đầu Đèn Flash Bằng cách dùng đèn flash ngoài có đầu đèn flash điều chỉnh được, có thể điều chỉnh góc đèn flash để cải thiện kết quả của ảnh. Cũng sẽ có thể sử dụng ánh sáng phản xạ bằng cách phản xạ ánh sáng từ một bức tường hoặc trần nhà để có hoàn thiện mịn hơn. Phẩm chất cao nhất của chụp ảnh có đèn flash dùng máy ảnh số sẽ là khả năng chụp được số ảnh chụp thử mong muốn. Khi ảnh không phù hợp, cách ngắn nhất để cải thiện sẽ là thực hành lặp đi lặp lại bằng cách thay đổi các thiết lập chẳng hạn như chế độ chụp, chế độ đồng bộ, và độ nhạy sáng ISO. Có thể điều chỉnh góc của đầu đèn flash. Tìm góc phù hợp nhất với ý định nhiếp ảnh của bạn   Thủ thuật: Không chỉ điều chỉnh góc của đầu đèn flash, mà còn điều chỉnh góc của đèn flash     Cài đặt bằng máy ảnh   Cài đặt bằng đèn flash Một chiếc đèn flash ngoài thực sự sẽ cho phép không chỉ điều chỉnh góc của đầu đèn flash, mà còn cho phép điều chỉnh góc của đèn flash (chiều rộng bao phủ của đèn). Điều chỉnh góc đèn flash sẽ giúp mở rộng phạm vi biểu đạt nhiếp ảnh của bạn. Để thực cài đặt trên máy ảnh, chọn [Zoom] trong trình đơn [External flash function settings], và chọn một độ dài tiêu cự (góc ngắm). Để cài đặt bằng đèn flash, nhấn nút Zoom và chọn độ dài tiêu cự dùng nút +/-, sau đó xác nhận lựa chọn dùng nút SEL/SET. Phạm vi bao phủ tối ưu của đèn flash sẽ được chọn tự động cho khớp với ống kính được sử dụng khi chọn Auto trên máy ảnh (M của M Zoom sẽ không xuất hiện trên đèn flash). Đối với đèn Speedlite 320 EX và Speedlite 270 EX II, điều chỉnh được thực hiện trong hai giai đoạn bằng cách dùng tay kéo đầu đèn flash ra.  

Kỹ thuật chụp ảnh lia máy Panning

Chụp ảnh "lia máy" (panning) là cách chụp di chuyển máy theo một đường ngang khi ống kính quét theo một vật thể đang chuyển động. Khi bạn di chuyển máy ảnh của mình theo cùng tốc độ với vật mẫu, mẫu của bạn gần như chuyển động song song với ống kính. Nhưng bạn đã hiểu rõ cách chụp ảnh này chưa? Nếu như định nghĩa ở trên chưa thể giúp bạn hình dung ra cách chụp ảnh lia máy, hãy thử tưởng tượng có một chú mèo đang ở trên chiếc bàn trước mặt bạn. Khi chú mèo di chuyển, bạn cũng bước chân sang ngang để theo kịp chuyển động của chú mèo. Trong mắt bạn, hình ảnh của chú mèo sẽ được thu lại một cách hoàn toàn rõ ràng, song cảnh vật có vẻ sẽ mờ đi. Tương tự như vậy, khi chụp lia máy, bạn phải "đồng bộ" với tốc độ của vật mẫu và theo kịp cả tốc độ lẫn hướng di chuyển của vật mẫu một cách hoàn hảo. Chụp lia máy để làm gì? Chụp lia máy thu lại cảnh tượng vật thể chuyển động vào bức ảnh. Như bạn có thể thấy trong bức ảnh dưới đây, chụp lia máy tái tạo lại cảm giác vật thể chuyển động rất rõ ràng. Nếu giữ nguyên máy và chụp chuyển động, vật mẫu của bạn có thể sẽ bị mờ do tốc độ đóng cửa trập thấp. Hình ảnh của chiếc xe rất rõ ràng và sắc nét, song cảnh vật lại bị mờ để tạo cảm giác chuyển động Tiếp theo là một bức ảnh được chụp theo cách thông thường (không lia máy), với tốc độ cửa trập chậm (chụp lia máy đòi hỏi tốc độ đóng màn trập chậm). Do máy ảnh đứng yên, vật mẫu - toa xe tàu bị làm mờ, từ đó người xem có thể hình dung ra chuyển động. Vậy, chụp lia máy có luôn luôn đem lại chất lượng tốt hơn cách chụp thông thường? Câu trả lời có thể là "có" và cũng có thể là "không". Là người chụp ảnh, bạn có thể lựa chọn chụp lia máy hoặc chụp theo cách thông thường, tùy vào sở thích và tùy vào bối cảnh chụp ảnh của bạn. Những nguyên tắc căn bản khi chụp lia máy 1. Chụp lia máy đòi hỏi bạn phải giữ chắc tay và sử dụng tốc độ cửa trập chậm Tốc độ cửa trập nên dùng tùy thuộc vào tốc độ di chuyển của vật mẫu nhưng thường sẽ là 1/200 giây hoặc chậm hơn. Tốc độ 1/200 nên dùng khi vật mẫu của bạn di chuyển rất nhanh, ví dụ như xe trên đường đua. Khi chụp vận động viên trên đường chạy, bạn chỉ cần sử dụng tới tốc độ 1/40. 2. Tốc độ cửa trập càng nhanh thì vật mẫu trên ảnh sẽ càng rõ nét Khi bạn mới bắt đầu tập lia máy, bạn không nên sử dụng tốc độ cửa trập quá chậm. Bạn chỉ cần sử dụng tốc độ cửa trập đủ chậm để thể hiện một chút ít chuyển động trên ảnh mà thôi. Khi đã tự tin hơn và đã quen hơn với việc chụp lia máy, hãy chọn tốc độ cửa trập chậm hơn để làm rõ chuyển động hơn nữa, giúp cho mẫu của bạn hoàn toàn nổi bật trên nền ảnh. 3. Bạn phải chuyển động liên tục, tương ứng với mẫu vật. Mẫu vật phải luôn luôn nằm trên một vị trí cố định trên khung hình để hiện lên ảnh rõ ràng, sắc nét. 4. Vật thể chuyển động càng nhanh thì càng khó chụp. Đây là một điều khá hiển nhiên. Khi mẫu vật chuyển động quá nhanh, bạn khó có thể giữ được vị trí cố định cho vật mẫu trong khung hình. Do đó, khi mới chụp, hãy cố gắng làm chậm chuyển động của vật mẫu. 5. Hãy kiên nhẫn và cố gắng tận hưởng thời gian chụp ảnh Chụp lia máy là một kĩ thuật khá khó. Nếu bạn không thành công, hãy bình tĩnh và chụp lại, hoặc tạm chuyển sang một kiểu chụp khác dễ hơn để thư giãn. Hãy thoải mái hết sức trong quá trình học chụp lia máy. Khi tham gia các sự kiện "tiềm năng" cho kỹ thuật chụp lia máy, ví dụ như các sự kiện thể thao, đừng quá tập trung vào kỹ thuật lia máy và tự làm cho mình khó chịu. Hãy chụp với nhiều kỹ thuật khác nhau để có được một bộ sưu tập ảnh đa dạng từ sự kiện này, thay vì một bộ toàn những bức ảnh mờ. Quan trọng nhất, hãy nhớ rằng mẫu vật của bạn khó có thể sắc nét và rõ ràng 100% trong bức ảnh. Đôi khi, một vài phần mờ trên mẫu vật sẽ làm ảnh chụp trở nên ấn tượng hơn. Một trong những trải nghiệm thú vị bạn có thể có được khi chụp lia máy là hãy chụp với trẻ em. Hãy thử giữ máy bằng một tay, và dùng một tay còn lại để giữ em bé và xoay vòng. Bạn sẽ chụp được những bức ảnh như bức ảnh sau đây. Những mẹo chụp lia máy - Sử dụng tốc độ cửa trập chậm hơn tốc độ bạn thường sử dụng. Hãy thử tốc độ 1/40 và sau đó thử các tốc độ chậm hơn. Tùy thuộc vào điều kiện sáng và tốc độ của mẫu vật, bạn có thể sử dụng các tốc độ khác nhau, song nếu sử dụng tốc độ quá chậm ảnh có thể sẽ bị mờ do rung tay. - Chọn vị trí sao cho giữa máy ảnh và vật mẫu không có chướng ngại vật. Ngoài ra, bạn cũng cần xem xét cảnh vật xung quanh – nền của bức ảnh. Nếu trong cảnh vật có các màu có thể gây rối mắt, ảnh chụp của bạn có thể trở nên quá rối. Bạn nên chọn cảnh có ít màu, đơn giản. Bạn có thể tập chụp lia máy tại các khu phố đông đúc. Tại đây, bạn sẽ không bao giờ thiếu mẫu vật để chụp. - Theo dõi chuyển động của vật mẫu một cách 'mượt' nhất có thể. Nếu sử dụng ống dài hoặc không chắc tay, bạn có thể cần tới monopod hoặc tripod. - Để tránh mất nét bạn cần chọn vị trí để có thể theo dõi chuyển động của vật mẫu một cách dễ dàng nhất. - Nếu tính năng tự động lấy nét (AF) trên máy bạn không đủ nhanh bạn cần phải nhấn nửa cò để tự lấy nét từ trước. - Nhả cò hết sức mềm mại để tránh rung máy, và tiếp tục lia máy theo hướng chuyển động ngay cả khi đã nghe tiếng nhả cò. Bằng cách này, bạn sẽ đảm bảo được chất lượng cho ảnh chụp từ đầu tới cuối. - Trong trường hợp máy bạn gặp hiện tượng shutter lag (nhấn cò một vài giây rồi ảnh mới được chụp), bạn cần phải làm quen với hiện tượng này và lựa chọn khoảnh khắc để chụp ảnh một cách cẩn thận hơn. - Sử dụng flash: Cũng giống như các kỹ thuật chụp ảnh khác, chụp lia máy không bị gò ép bởi bất kì luật lệ nào. Bạn có thể thử nghiệm sử dụng đèn flash khi chụp lia máy. Kỹ thuật chụp chậm với đèn flash đồng bộ sẽ chỉ hoạt động tốt khi mẫu vật của bạn đủ gần với máy ảnh để đèn flash tạo ra sự khác biệt. Khi sử dụng kỹ thuật này, máy ảnh sẽ được cài đặt tốc độ cửa trập chậm và đèn flash được bật lâu. Nhờ đó, bạn sẽ giữ được mẫu vật trong khung hình lâu hơn và tạo được hiệu ứng chuyển động nền mờ. Nhìn chung, bạn sẽ phải thử nghiệm rất nhiều cài đặt khác nhau cho đèn flash. Trong một số trường hợp, bạn sẽ phải giảm độ sáng của flash còn 1/2 hoặc 2/3. Việt Dũng Theo Digital Photography School

Tự tạo Bokeh hình dạng đặc biệt bằng bìa cứng

Chụp ảnh bokeh với những hình dạng khác nhau có thể đem lại nhiều điều thú vị cho các bức ảnh Giáng sinh của bạn. Ngoài việc sử dụng những hình dạng bokeh tự nhiên của ống kính, bạn có thể tự tạo thêm những hình dạng bokeh đặc biệt theo hướng dân dưới đây. Chế tạo "đồ nghề" Dùng một tờ bìa màu đen thông thường (giấy cứng sẽ hiệu quả hơn, có thể dùng bìa giấy của sổ lưu niệm) và cắt nó thành một dải băng rộng, đủ để che phủ toàn bộ chiều dài ống kính của bạn. Đầu tiên, bạn dùng một mảnh giấy trắng thừa để đo ống kính bạn sẽ sử dụng. Sau đó, áp lên tờ bìa màu đen để cắt, dán nó lại thành một hình trụ tròn. Tiếp đó, bạn kê ống kính lên một miếng bìa đen khác, dùng bút vẽ men theo xung quanh ống kính để lấy dấu, rồi dùng kéo cắt thành một miếng bìa hình tròn. Sau đó, bạn dùng dao trổ một lỗ với bất cứ hình gì bạn muốn ở giữa vòng tròn vừa cắt, có thể dùng bút chì phác nhẹ hình dạng mong muốn trước khi cắt. Để hình trổ nằm ở giữa tấm bìa tròn, bạn nên gấp nhẹ tấm bìa làm đôi để lấy dấu, rồi mới vẽ và trổ. Điều này rất quan trọng, vì nếu lỗ được cắt không nằm ở trung tâm miếng bìa, máy ảnh sẽ nhận các phần bìa đen thay vì hình dạng được cắt. Tiếp theo, chỉ cần dán tấm bìa tròn màu đen lên hình trụ nhỏ bạn vừa làm sao cho có thể lắp vừa khít vào ống kính của bạn, có thể sử dụng băng dính để cố định miếng bìa. Sau đó, chỉ cần lắp tấm che ống kính này vào ống kính của bạn! Đây là kết quả cuối cùng. Khá tuyệt phải không? Bạn cũng có thể làm tương tự để tạo ra những hình dạng khác. Dưới đây là một số hướng dẫn để giúp bạn thành công: 1. Hãy chắc chắn rằng bạn sử dụng khẩu độ rộng nhất có thể (đó là số nhỏ nhất trong các giá trị khẩu độ mà máy ảnh hỗ trợ), tốt nhất là trong khoảng f/1.2 đến f/1.8, tiêu cự nên là 85mm. Tỷ lệ giữa tiêu cự của ống kính và đường kính khẩu độ càng thấp, độ mờ trong nền ảnh càng tốt. 2. Bạn cần tách biệt giữa chủ thể của bạn và bokeh. Nếu đối tượng chụp của bạn đang ngồi ngay bên cạnh những ánh đèn thì sẽ không hiệu quả, tất cả mọi thứ sẽ trong vùng lấy nét và bạn sẽ không có bokeh ánh sáng mờ trong nền ảnh. 3. Sử dụng giấy tối màu hoặc màu đen để làm nắp che ống kính như trên. Nếu dùng giấy sáng màu hơn, ánh sáng sẽ bị rò rỉ vào tấm che ống kính và nó sẽ không hiệu quả. 4. Tấm che ống kính tự tạo chỉ nên vừa đủ khít với ống kính sao cho có thể tháo lắp dễ dàng nhưng cũng không ảnh hưởng đến hoạt động của ống kính, đồng thời không quá rộng có thể khiến ánh sáng lọt vào. 5. Nếu không muốn làm tấm che ống kính có ống trụ gắn vào ống kính như trên, có thể bạn chỉ đơn giản là cắt một tấm bìa tròn (có trổ hình mong muốn) với kích thước lớn hơn so với đường kính của ống kính và dùng tay áp nó vào ống kính và giữ ổn định khi chụp. Với cách này, tay bạn phải thật vững hoặc nếu cần bạn phải dùng chân máy để tránh rung máy, vì muốn chụp bokeh bạn cũng cần giảm tốc độ chụp, mà tốc độ chụp càng chậm thì càng dễ bị rung máy. Bạn có thể thực hành với bất cứ thứ gì ngồi yên đủ lâu để cho bạn chụp! Trang Bùi Theo iheartfaces.com

Sử dụng Histogram trong nhiếp ảnh

Histogram trong máy ảnh số là một dạng biểu đồ biểu diễn số lượng điểm ảnh tương ứng với mức độ sáng tối của bức ảnh sau khi chụp. Cụ thể hơn, trục dọc biểu diễn số lượng điểm ảnh, các đỉnh càng cao thì càng có nhiều điểm ảnh ở khu vực đó và độ chi tiết càng nhiều. Trục ngang tính từ trái qua phải với mốc giá trị từ 0 đến 255 biểu diễn độ sáng của mỗi khu vực ảnh. Gốc giá trị 0 được coi là tối nhất tựa như màu đen tuyền trong khi càng dịch sang phải giá trị này càng tăng, ngọn sáng nhất của ánh sáng ở giá trị 255. Khu vực giữa hai giá trị này có độ sáng trung bình. Như vậy, biểu đồ histogram càng có nhiều điểm ảnh ở gần khu vực  gốc (giá trị 0) thì ảnh càng tối, nhiều điểm ảnh ở gần khu vực ngọn 255 thì ảnh càng sáng. Những điểm ảnh nằm trên cột dọc của một trong hai giá trị này sẽ bị mất chi tiết (hoặc tối quá hoặc sáng quá). Một hình ảnh vừa đủ sáng và rõ nét thì biểu đồ sẽ có dạng hình quả núi với đỉnh nằm trong khu vực sáng trung bình và thoải dần sang tận gốc hai bên trái phải của đồ thị. Lưu ý: - Histogram chỉ là một phương án hỗ trợ khi bạn không nhìn thấy tốt bức ảnh trên màn hình LCD ví dụ dưới ánh mặt trời sáng, nơi có độ sáng phức tạp… Quan trọng nhất vẫn là bạn nhìn trực tiếp vào bức ảnh và kinh nghiệm của bạn. Biểu đồ Histogram biểu thị ánh sáng tăng dần từ trái qua phải. Hầu hết các máy ảnh hiện nay thì trục sáng tối được chia làm 5 phần đều nhau thể hiện khoảng sáng (tối) ở khu vực đó và ta có thể gọi mỗi khoảng này là một stop. Khoảng ở giữa có mức sáng trung bình tức là có màu tương đồng mới màu ghi 18% gọi là stop 0. Hắt dần sang bên trái của khoảng này thì màu càng tối (tối nhất giá trị 0) – lần lượt theo ảnh minh họa bên dưới là stop -1 và stop -2 và hắt dần sang phải thì càng sáng (sáng nhất giá trị 255) – lần lượt theo ảnh minh họa bên dưới là stop +1 và stop +2. Biểu đồ Histogram biểu thị ánh sáng tăng dần từ trái qua phải Dưới đây chúng tôi minh họa bằng hình ảnh cụ thể để các bạn hình dung dễ hơn. Ảnh chụp Biểu đồ Histogram tương ứng Stop 0: Ảnh có độ sáng vừa đủ Stop -2: Ảnh rất tối, nhiều điểm mất nét Stop -1: Ảnh hơi tối nếu so với ảnh trung bình, một vài điểm bị mất nét Stop +1: Ảnh sáng hơn so với ảnh trung bình Stop +2: Ảnh quá sáng so với trung bình, nhiều điểm do sáng quá nên không thật Tùng Anh

Lịch Sử Ống Kính EF của Canon [Phần 2]

Vào Tháng 4, 2014, quá trình sản xuất tích lũy của ống kính EF của Canon đạt kỷ lục 100 triệu chiếc. Hệ thống ngàm mới chiếm được sự tin tưởng của các nhiếp ảnh gia với chức năng điều khiển cơ học đã hoàn toàn bị loại khỏi ngàm FD truyền thống bằng cách nào? Phần 2 của loạt bài viết này cung cấp thêm thông tin cho bạn về lịch sử của quá trình phát triển này. (Người trình bày: Kazunori Kawada)   Giai đoạn 2: Kỷ Nguyên Phát Triển – Sự Khai Sinh của Thời Đại Kỹ Thuật Số Vào tháng 4, 1991, ba ống kính TS-E (24mm, 45mm, và 90mm) ra mắt, tất cả điều được tích hợp một cơ chế dịch chuyển ngoài cơ chế điều khiển nghiêng. Tuy nhiên, sự đột phá lớn nhất là sự ra đời hệ thống điều chỉnh khẩu độ tự động trên ống kính kiểu nghiêng-dịch chuyển lần đầu tiên. Đối với ống kính kiểu nghiêng-dịch chuyển, cho phép bẻ cong trục quang, khó di chuyển hệ thống khẩu độ bằng cơ học từ thân máy. Cho đến lúc đó, phương thức truyền thống là xác định nét ở khẩu độ tối đa và thực hiện những điều chỉnh nghiêng-dịch chuyển cần thiết trước khi khép khẩu theo cách thủ công đến giá trị mong muốn. Ống kính TS-E, ngược lại, sử dụng một ‘Màn Chắn Điện Từ (EMD)’, màn chắn này được trang bị một bộ phát động trên ống kính để vận hành khẩu độ, nhờ đó cho phép điều chỉnh khẩu độ tự động ngay cả khi ống kính đang được nghiêng hay dịch chuyển. Khi cần điều chỉnh khẩu độ bằng tay, tôi thường quên bước này trong khi chụp, và kết cục là ảnh quá sáng đáng kể. Những sai lầm như thế không còn xảy ra với cơ chế điều chỉnh khẩu độ tự động của ống kính TS-E. Điều này là có thể nhờ vào việc sử dụng một ngàm điều chỉnh bằng điện tử hoàn toàn với cơ chế điều chỉnh cơ học bị loại bỏ hoàn toàn trên ngàm ống kính. Mặc dù người mới chụp ảnh có thể không quen sử dụng ống kính TS-E và chức năng nghiêng-dịch chuyển, chúng là những tính năng thiết yếu đối với các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp chuyên chụp kiến trúc, nội thất, hoặc sản phẩm. Sự cố gắng đưa những ống kính đó vào thị trường phù hợp trong dòng ống kính EF là một trong những lý do tại sao các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp rất tin tưởng các sản phẩm của Canon. Đặc Điểm 1 của Ống Kính EF – Image Stabilizer (IS) Canon là hãng đầu tiên giới thiệu thành công chức năng Image Stablilizer đưa vào sử dụng thương mại trên ống kính SLR thay đổi được. Cơ chế cơ bản ngày nay vẫn không thay đổi, với một nhóm cảm biến con quay hồi chuyển được dùng để phát hiện rung máy, hiện tượng này sau đó được bù trừ bằng một hệ thống khắc phục quang học. Vào năm 1995, Canon ra mắt ống kính ‘EF75-300mm f/4-5.6 IS USM’, ống kính thay đổi được đầu tiên trên thế giới cho máy ảnh SLR được trang bị tính năng ‘Image Stabilizer (IS)’. IS hoạt động bằng cách phát hiện rung máy bằng các cảm biến con quay hồi chuyển, và bù hiện tượng rung máy bằng cách di chuyển nhóm thấu kính để điều chỉnh quang học có tác dụng tương đương hai stop tốc độ cửa trập. Người dùng đã say mê với sự xuất hiện của tính năng tiện lợi này mà họ từng ao ước, vì nó giúp giải phóng nhiếp ảnh gia khỏi sự cồng kềnh của chân máy khi chụp ở các cảnh thiếu sáng. Kể từ đó, tính năng IS đã được áp dụng trên các ống kính EF được ra mắt sau này. Ngoài ống kính IS, Canon cũng lần đầu tiên thương mại hóa thành công việc sử dụng nhiều loại ống kính khác trong EF series, chẳng hạn như các ống kính chỉ gồm có các thấu kính không chì, thân thiện với môi trường, và ‘ống kính DO’ được tích hợp ‘Thấu Kính Nhiễu Xạ Nhiều Lớp’, giúp đạt được thiết kế nhỏ gọn và hiệu suất cao. Ống kính EF lịch sử 1 – EF75-300mm f/4-5.6 IS USM   Đây là ống kính đầu tiên được tích hợp tính năng Image Stablilizer (IS), giúp bù rung máy một cách đáng kinh ngạc trong khi chụp tele với hiệu ứng chỉnh sửa tương đương khoảng hai stop tốc độ cửa trập. Tính năng này đã nhận được sự ủng hộ của nhiều nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và những người yêu thích nhiếp ảnh vì khả năng giảm số lượng ảnh không thành công của nó.     Đặc Điểm 2 của Ống Kính EF – Thấu Kính Nhiễu Xạ Nhiều Lớp (DO) Thấu Kính Nhiễu Xạ Một Lớp, Cách Từ Nhiễu Xạ Ống Kính DO Ba Lớp Ánh Sáng Tới (Ánh Sáng Trắng) Ánh sáng nhiễu xạ thừa xuất hiện Hầu như tất cả ánh sáng tới lúc này đều có thể sử dụng được để chụp ảnh Ánh sáng nhiễu xạ có thể sử dụng được để chụp ảnh Ánh sáng nhiễu xạ gây lóa Thấu kính DO có khả năng kiểm soát đường đi của ánh sáng bằng cách sử dụng hiện tượng nhiễu xạ ánh sáng, hiện tượng này xuất hiện khi ánh sáng đi qua cạnh của một chướng ngại vật. Đạt được một thiết kế nhỏ gọn và hiệu suất cao với các đặc điểm của thấu kính fluorite và một thấu kính phi cầu kết hợp trong một thấu kính duy nhất. Ống kính EF lịch sử 2 – EF400mm f/4 DO IS USM   Với việc sử dụng một thấu kính DO, Canon đã phát triển hành công ống kính nhỏ gọn và trọng lượng nhẹ này, có thông số đáng kinh ngạc với khẩu độ nhỏ f/4 và độ dài tiêu cự chụp tele là 400mm. Ống kính EF400mm f/4 DO IS USM rất hữu ích khi cần tính di động, chẳng hạn như chụp ảnh thể thao. Tính năng IS cũng được tích hợp để giúp dễ chụp cầm tay.   Kazunori Kawada Sinh tại Quận Kanagawa vào năm 1961. Sau bốn năm làm trợ lý cho nhiếp ảnh gia Koichi Saito, Kawada trở thành nhiếp ảnh gia tự do vào năm 1997. Hiện nay, công việc của anh xoay quanh các bài đánh giá nhiếp ảnh cho các tạp chí máy ảnh và các ấn phẩm khác.

Lịch Sử Ống Kính EF của Canon [Phần 1]

Giai đoạn 1: Buổi Đầu – Sự Khai Sinh của Ngàm Điện Tử Hoàn Toàn Vào tháng 3, 1987, Canon công bố ‘EOS 650′, máy ảnh Canon đầu tiên được tích hợp hệ thống AF chuyên nghiệp. Sản phẩm này cũng đánh dấu sự khai sinh của ống kính EF. Tôi vẫn có thể nhớ lại trước khi EOS series ra đời, mối bận tâm lớn nhất của người dùng Canon là liệu Canon sẽ có những thay đổi đối với các tiêu chuẩn ngàm FD đã có hay không. Cho đến lúc đó, ngàm FD được sử dụng trên máy ảnh Canon trước EOS series đã nhận được sự ủng hộ rất lớn của cả các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp lẫn nhiếp ảnh gia nghiệp dư nâng cao. Quan điểm của đa số mọi người là việc phát triển một hệ thống AF là không có khả năng cần phải thay đổi các tiêu chuẩn ngàm ống kính. Tuy nhiên, ngược lại với dự kiến của mọi người, Canon đã chọn ngưng sử dụng ngàm FD truyền thống với việc áp dụng một tiêu chuẩn ngàm EF hoàn toàn mới cho EOS series của mình. Quyết định này làm thất vọng những người dùng nào sở hữu lượng lớn ống kính FD, một số thậm chí còn xem đó là hành động ‘phản bội’. Hiện nay, nhiều năm sau khi ra đời, gần như không thể tìm được bất kỳ người dùng nào không đồng ý rằng quyết định của Canon là chính xác. Đặc Điểm 1 của Ống Kính EF – Thấu Kính Phi Cầu Ống kính phi cầu có khả năng chỉnh méo và đạt được thiết kế nhỏ gọn. Canon đã sử dụng chúng rất sớm từ năm 1971. Có bốn phương pháp sản xuất đã được lập ra lần lượt để sản xuất các thấu kính mờ và bóng, thấu kính thủy tinh đúc, thấu kính nhựa đúc, và thấu kính phi cầu đúc. Ngàm EF mới là một hệ thống ngàm điều khiển điện tử hoàn toàn, nó hoàn toàn loại bỏ cơ chế điều phối cơ học chẳng hạn như vận hành khẩu độ và truyền gửi giá trị khẩu độ, và thực hiện giao tiếp với thân máy ảnh thông qua tín hiệu điện. Việc sử dụng thiết kế ngàm mới không chỉ nhằm giới thiệu một hệ thống AF. Nó là một nỗ lực mang tính cách mạng, cân nhắc những cải tiến trong tương lai của máy ảnh. Trong khi tất cả máy ảnh AF SLR của các đối thủ của Canon đều có một môtơ tích hợp vào thân máy, Canon nổi tiếng về việc sử dụng một môtơ trong ống kính cho ống kính EF. Ngày nay, hầu như tất cả các hãng sản xuất máy ảnh đều sử dụng một môtơ trong ống kính để vận hành cơ chế AF, một minh chứng cho sự nhìn xa trông rộng của Canon. Mặc dù chỉ có một vài ống kính trong dòng ống kính này ngay sau khi ngàm ống kính mới được phát triển, ngay lập tức một hệ thống ống kính EF vững chắc đã được sản xuất với sự ra đời sau đó của ống kính USM, giúp có thể vận hành AF hầu như không ồn với việc sử dụng một ‘môtơ siêu âm’, cũng như ‘EF50mm f/1.0L USM’ và các ống kính siêu nhanh khác với đường kính ngàm ống kính lớn hơn đáng kể so với ngàm FD. Đặc Điểm 2 của Ống Kính EF – Thấu Kính Fluorite Thấu kính fluorite hữu ích trong việc chỉnh sắc sai. Vào cuối thập niên 1960, Canon đã phát triển thành công một công nghệ tinh thể hóa nhân tạo để sản xuất các thấu kính fluorite cho dòng ống kính cao cấp, chẳng hạn như ống kính L. Đây là một nỗ lực có một không hai khác của Canon, vì hầu như không có hãng sản xuất máy ảnh nào khác vào lúc đó sử dụng các thấu kính fluorite cho ống kính máy ảnh SLR của họ. Đặc Điểm 3 của Ống Kính EF – Thấu Kính UD Thấu kính UD được Canon phát triển vào cuối những năm 1970. Thấu kính UD cũng được sử dụng để chỉnh sắc sai giống như thấu kính fluorite, với hai thấu kính UD có tác dụng điều chỉnh tương đương như một thấu kính fluorite. Vào thập niên 1990, Canon phát triển thành công ‘thấu kính super UD’, giúp tăng mức hiệu suất hơn nữa. Đặc Điểm 4 của Ống Kính EF – Môtơ Siêu Âm (USM)   USM Dạng Vòng Micro USM   Hầu như mọi hãng sản xuất ngày nay đều sử dụng môtơ siêu âm (USM) để vận hành cơ chế AF. Tuy nhiên, Canon là hãng đầu tiên tích hợp USM vào ống kính EF. Ban đầu chỉ có ‘USM dạng vòng’, chỉ có thể sử dụng cho các ống kính có đường kính lớn. ‘Micro USM’ nhỏ gọn hơn được phát triển sau để sử dụng trên các ống kính có đường kính nhỏ hơn. Kazunori Kawada Sinh tại Quận Kanagawa vào năm 1961. Sau bốn năm làm trợ lý cho nhiếp ảnh gia Koichi Saito, Kawada trở thành nhiếp ảnh gia tự do vào năm 1997. Hiện nay, công việc của anh xoay quanh các bài đánh giá nhiếp ảnh cho các tạp chí máy ảnh và các ấn phẩm khác.