Đèn Flash Chớp Liên Tục

Cảm biến hình ảnh thực hiện chụp ảnh bằng cách phản ứng với ánh sáng, và do đó máy ảnh không thể chụp bất kỳ thứ gì ở một địa điểm quá tối ngay cả khi cửa trập để mở. Tuy nhiên, bằng cách sử dụng đèn flash, có thể chụp ảnh ngay khi chớp đèn flash. Nói cách khác, đèn flash đóng vai trò cửa trập trong bóng tối. Trong bài này, tôi sẽ giới thiệu các kỹ thuật chụp ảnh sử dụng hiệu quả các đặc điểm đó của đèn flash. (Người trình bày: Koji Ueda)

Chụp Chuyển Động Trong Ảnh Bằng Cách Chớp Đèn Flash Liên Tục

Đèn flash chớp liên tục là một tính năng để phơi sáng đối tượng nhiều lần trong một ảnh duy nhất bằng cách chớp đèn flash liên tục. Trong số các đèn flash ngoài của Canon, những đèn có trang bị tính năng này gồm có Speedlite 600EX-RT và Speedlite 580EX II. Trong chụp ảnh bằng đèn flash chớp liên tục, bạn có thể cài đặt số lần chớp mỗi giây, hoặc tổng số lần chớp. Tuy nhiên, lưu ý rằng số lần chớp cũng phụ thuộc vào công suất đèn flash. Trước tiên, địa điểm chụp phải là một nơi bạn ít ra bạn có thể mơ hồ xác định đối tượng. Vì không thể điều chỉnh nét theo chuyển độ của đối tượng, bạn phải cố định trước điểm lấy nét.

EOS 60D/ EF-S18-135mm f/3.5-5.6 IS/ Manual exposure (f/8, 4 giây)/ ISO 100/ WB: Auto/ Speedlite 580EX II (Manual, 1/16)/ (Stroboscopic flash) tần suất chớp: 1Hz; số lần chớp: 3

Thủ thuật

  • Biểu đạt chuyển động của đối tượng bằng cách kiểm soát số lần chớp và thời gian tuần hoàn
  • Cố định trước điểm lấy nét

Điều Kiện Chụp

Ảnh được chụp ở trong nhà vào ban đêm, tắt đèn. Có thể mơ hồ xác định bóng của đối tượng. Tôi cố định máy ảnh lên chân máy, và nhắm đèn Speedlite vào đối tượng. Tôi che nền sau một tấm vải màu đen để không chụp phải các vật thể không mong muốn. Tôi đặt số lần chớp là [3], sau đó cài đặt tần suất chớp là [1Hz].

Vị trí của đối tượng, máy ảnh và đèn Speedlite

A: Khoảng 2m

B: Di chuyển sau mỗi lần chớp

Các Bước Sử Dụng Đèn Flash Chớp Liên Tục

1. Chọn một chế độ chụp

Nên sử dụng chế độ Phơi Sáng Thủ Công, vì sẽ dễ cố định tốc độ cửa trập hơn theo số lần chớp, và cũng có thể dễ điều chỉnh độ sâu trường ảnh.

2. Lấy nét

Vì ảnh được chụp ở điều kiện thiếu sáng gần như tối đen, cố định nét trước bằng MF.

3. Xác định số lần chớp

Xác định số lần chớp theo số lần bạn muốn chụp đối tượng trong một ảnh duy nhất.

4. Cài đặt tần suất chớp và tốc độ cửa trập

Tần suất chớp (Hz) quyết định số lần chóp đèn flash mỗi giây. Sau đó, cài đặt tốc độ cửa trập dựa trên thời lượng lên đến cuối giai đoạn chớp liên tục. Tiếp theo, nhả cửa trập theo chuyển động của đối tượng.

Thủ Thuật Sử Dụng Đèn Flash Chớp Liên Tục

1. Không đặt bất kỳ vật thể nào ở nền sau

 

Trong khi chụp ảnh có đèn flash chớp liên tục, điều quan trọng là bạn không được đặt bất kỳ vật thể nào đằng sau đối tượng. Khi chụp ảnh đa phơi sáng, các vật thể ở nền sau có thể chồng lên đối tượng, dẫn đến ảnh lộn xộn. Do đó nền sau phải đơn giản, chẳng hạn như bằng cách sử dụng một bức tường. Ngoài ra, lưu ý rằng một bức tường màu trắng có thể làm cho đối tượng có vẻ trong mờ. Trong trường hợp này, bạn có thể gắn một tấm vải hoặc tấm giấy màu đen lên tường.

2. Cài đặt tốc độ cửa trập theo số ảnh cần chụp trong một ảnh

 

Bạn cần phải xác định tần suất chớp (Hz), số lần chớp, và tốc độ cửa trập dựa trên số lần đối tượng sẽ được chụp trong một ảnh duy nhất. Ví dụ, nếu bạn muốn chụp đối tượng tổng cộng ba lần trong một ảnh duy nhất, với mỗi ảnh được chụp ở một khoảng thời gian là một giây, hãy cài đặt tần suất chớp là 1Hz và số lần chớp là 3 lần. Trong trường hợp này, cài đặt tốc độ cửa trập thành 3 giây. Chỉ cần lưu ý cài đặt tốc độ cửa trập theo tần suất chớp và số lần chớp.

3. Di chuyển đối tượng theo hướng nằm ngang so với máy ảnh

 

Vì chụp ảnh với đèn flash chớp liên tục diễn ra ở một địa điểm gần như tối đen, không thể điều chỉnh nét theo chuyển động của đối tượng. Cần phải cố định nét trước. Lưu ý rằng bằng cách cho đối tượng di chuyển chiều ngang so với máy ảnh thay vì di chuyển tới lui, bạn sẽ không phải lo bị mất nét. Trong trường hợp đối tượng di chuyển nhẹ ra trước hoặc ra sau, khép khẩu càng nhiều càng tốt để vẫn có thể lấy nét.

Koji Ueda Sinh năm 1982 tại Hiroshima, Ueda bắt đầu sự nghiệp với vị trí trợ lý cho nhiếp ảnh gia Shinichi Hanawa. Sau đó anh trở thành nhiếp ảnh gia tự do, và hiện nay tham gia nhiều công việc khác nhau từ tạp chí đến quảng cáo trong khi chụp ảnh tại các thành phố và phong cảnh khác nhau trên khắp thế giới. Anh cũng là một nhà văn và giảng viên tại các lớp học và hội thảo về nhiếp ảnh.