Ánh sáng là yếu tố quan trọng nhất trong mọi bức ảnh mà bạn chụp. Tuy nhiên có nhiều dạng ánh sáng khác nhau và chúng có hiệu ứng khác nhau trên ảnh. Bài viết giúp bạn hiểu rõ 3 dạng ánh sáng: khuếch tán (diffused), chiếu ngược (backlight), phản xạ (reflected) và cách sử dụng chúng trong nhiếp ảnh.
Sẽ có những lúc mà khung cảnh bạn chụp chỉ có một loại ánh sáng, hoặc có những trường hợp có nhiều loại ánh sáng cùng một lúc và bạn phải lựa chọn loại ánh sáng nào thích hợp. Ánh sáng cũng quyết định phong cách chụp ảnh của một số nhiếp ảnh gia và một số người chỉ chuyên chụp bằng một kiểu ảnh sáng nhất định. Việc phát hiện các dạng ánh sáng khác nhau và biết cách ứng dụng chúng sẽ giúp bạn tận dụng mọi ưu điểm của cảnh vật đồng thời tăng thêm độ sâu, sự đa dạng cũng như thể hiện được cá tính của bạn trong mỗi bức ảnh.
Ánh sáng khuếch tán
Ánh sáng khuếch tán là dạng ánh sáng không chiếu trực tiếp và không gắt, nó đã được làm dịu đi bởi một yếu tố nào đó. Chẳng hạn, khi bạn đang ở ngoài trời và mặt trời đang tỏa nắng rực rỡ mà trên trời không có một gợn mây, khi ấy ánh sáng sẽ rất gắt và bạn sẽ thấy bóng đổ rất rõ trên hoặc xung quanh chủ thể của bạn. Nhưng nếu có mấy trên trời và chúng làm dịu đi ánh mặt trời thì ánh sáng khi đó trở nên khuếch tán. Bạn cũng có thể tìm thấy ánh sáng khuếch tán dưới bóng râm của cây cối, khi mà ánh mặt trời đã được các tán cây làm dịu đi.
Bạn có thể tận dụng ánh sáng khuếch tán để chụp những bức ảnh tuyệt vời. Nếu bạn chụp chân dung vào một ngày dịu nắng (tức ánh sáng khuếch tán), thì nghĩa là bạn đang có một hộp chụp softbox của thiên nhiên. Bạn sẽ dễ làm việc với chủ thể hơn và có thể chụp từ nhiều góc khác nhau, bởi vì bạn sẽ không bị giới hạn bởi các vệt nắng và bóng đổ mà ánh sáng gắt có thể tạo ra. Nhiều nhiếp ảnh gia ưa thích chụp với ánh sáng khuếch tán bởi ánh sáng trải đều trên cảnh vật.
Bức ảnh này là một ví dụ của việc sử dụng ánh sáng khuếch tán, sử dụng bóng mát của tòa nhà để làm dịu ánh sáng, đồng thời cũng phản chiếu sáng hắt vào đối tượng.
Ánh sáng chiếu ngược
Chụp ngược sáng là cách chiếu sáng chủ đề của bạn từ phía sau, chứ không phải từ phía trước, hoặc từ hai bên. Bằng cách sử dụng ánh sáng chiếu ngược, bạn có thể tạo hiệu ứng bóng đổ ngược sáng (sihouette) hoặc hiệu ứng tỏa sáng (glow) cho đối tượng.
Hiệu ứng sihouette
Hiệu ứng glow
Để tạo hiệu ứng sihouette, bạn thực hiện đo sáng trên nền trời, còn để tạo hiệu ứng glow, bạn đo sáng ngay trên đối tượng. Bạn cần đặt chủ đề của bạn ở phía trước nguồn sáng và cho phép ánh sáng chiếu sáng chủ đề.
Nếu bạn đang sử dụng ánh nắng mặt trời làm nguồn sáng, các khoảng thời gian khác nhau trong ngày sẽ mang lại cho bạn những kiểu ánh sáng chiếu ngược khác nhau. Mặt trời càng xuống thấp thì ánh sáng sẽ càng dịu đi. Bạn có thể thấy rằng đôi khi bạn sẽ phải di chuyển tới một vị trí mà máy ảnh của bạn có thể tự động lấy nét hoặc chuyển sang chế độ chỉnh tay, vì ánh sáng có thể rất mạnh đến nỗi máy ảnh phải vất vả để tìm thấy những điểm bạn muốn lấy nét.
Ánh sáng phản xạ
Ánh sáng phản xạ có thể được tìm thấy ở khắp mọi nơi, trên hầu hết các bề mặt. Ánh sáng phản xạ theo nghĩa đen là ánh sáng được phản chiếu từ một bề mặt hoặc vật liệu nào đó.
Nếu bạn chụp chân dung bên cạnh một tòa nhà màu trắng, ánh sáng chiếu vào tòa nhà sẽ được phản xạ vào chủ đề của bạn, tạo ra một hiệu ứng ánh sáng rất mềm mại. Nếu bạn đang ở giữa những dãy núi Atlas màu đỏ của Ma-rốc và chụp chân dung, bạn sẽ thấy có màu đỏ phản chiếu nhẹ nhàng đến chủ đề của bạn từ mặt đất. Hoặc, nếu bạn đang chụp chân dung ngoài trời và muốn có thêm một chút ánh sáng trên khuôn mặt đối tượng, bạn có thể sử dụng một tấm hắt sáng (reflector). Dụng cụ này thường có hai màu sắc: một mặt màu vàng, một mặt màu trắng.
Ánh sáng phản xạ có xu hướng khá mềm và mang theo màu sắc của bề mặt hoặc vật liệu mà từ đó ánh sáng hắt ngược trở lại sau khi chạm vào bề mặt hoặc vật liệu. Khi dùng mặt màu vàng của tấm hắt sáng, bạn sẽ tạo ra ánh sáng phản xạ ấm áp trên khuôn mặt của đối tượng.
Đông Phong
Trường nhiếp ảnh kỹ thuật số Theo